Mục lục
- 1 Phần I: Phân biệt các loại gỗ công nghiệp được sử dụng nhiều nhất.
Tổng hợp các loại gỗ công nghiệp
Hiện nay việc sử dụng gỗ công nghiệp trong cuộc sống ngày càng gia tăng. Bên cạnh sự phát triển của khoa học kỹ thuật thì trên thị trường đã có rất nhiều loại gỗ công nghiệp. Mỗi loại sẽ có những công dụng, tính năng khác nhau.
Bài viết hôm sẽ làm rõ công năng sử dụng của từng loại gỗ công nghiệp trên thị trường. Giúp bạn hiểu rõ hơn về gỗ công nghiệp và sử dụng nó đúng mục đích hơn.
Phần I: Phân biệt các loại gỗ công nghiệp được sử dụng nhiều nhất.
Gỗ công nghiệp thường sẽ có phần cốt gỗ và phần bề mặt. Phần I này chúng tôi chỉ nói về cốt – lõi gỗ và Phần II là về bề mặt.
Ván dăm (MFC, PB, OBS)
Nguyên liệu chính để làm gỗ Ván dăm MFC là các loại gỗ rừng trồng ngắn ngày như keo, cao su, bạch đàn… Hoặc phế liệu gỗ tự nhiên trong quá trình chế biến như: bìa bắp, phoi bào, mùn cưa… Đây là một trong các loại gỗ công nghiệp được sử dụng nhiều nhất.
Thành phần bao gồm: Gỗ khoảng: 85%, còn lại là keo liên kết và các chất phụ gia khác.
Ván dăm ở Việt Nam có 2 loại sau: PB (Partical Board) và OBS (Oriented Strand Board) ván dăm định hướng. OBS được sử dụng chưa nhiều tại Việt Nam.
Sau khi cốt gỗ này hoàn thiện phủ bề mặt Melamine thì gọi là gỗ MFC (Melamine Face Chipboard). Vì vậy loại gỗ này thường được gọi là MFC.
Trên thị trường có 2 loại ván dăm đó là: Thường và Chống ẩm.
- Loại thường: Tỷ trọng: 630 kg/m3 – 680 kg/m3.
Thường được sử dụng làm đồ nội thất văn phòng và nội thất nhà ở.
- Loại chống ẩm: Tỷ trọng: 670 kg/m3 – 710 kg/m3.
Có tỷ trọng cao hơn một chút so với loại thường. Đối với các vị trí có độ ẩm cao như tủ bếp, tủ tolet hay nhưng khu vực có thời tiết ẩm ướt thì khuyến cáo nên sử dụng ván dăm chống ẩm.
Được phân biệt với ván dăm thường bằng màu xanh trên tấm ván.
Tuy nhiên màu xanh không phải là nhân tố quyết định đến khả năng chống ẩm. Mà tính năng chống ẩm do chất phụ gia trộn cùng keo ép ván.
Đặc điểm của gỗ công nghiệp Ván dăm – MFC:
- Ván dăm cứng chắc, chịu lực tốt. Tuy nhiên mật độ gỗ không cao bằng ván sợi như MDF hay HDF nên không có tác dụng cách âm tốt như hai loại ván trên.
- Vì được cấu tạo từ những dăm gỗ có kích thước lớn nên khi gia công, ván dăm dễ bị mẻ cạnh nên khó làm được những sản phẩm có đường cong mềm mại.
Gỗ công nghiệp MDF (Medium Density Fiberboard).
Gỗ công nghiệp MDF có công nghệ sản xuất giống Ván dăm (MFC) nhưng khác là từ dăm gỗ thay bằng sợi bột gỗ rồi ép thành tấm.
Gỗ công nghiệp MDF được sử dụng rộng rãi vì bề mặt phẳng, mịn, đẹp. Đa dạng về độ dày và có phần chất lượng nhỉnh hơn so với ván dăm MFC.
Ván MDF được sử dụng rộng rãi từ: Nội thất gia đình, Khách sạn, Resort, Bệnh viện, Trường học, Ốp vách và ốp trần.
Trên thị trường có 2 loại MDF chính là loại thường và chống ẩm.
- Ván gỗ MDF thường: Có tỷ trọng trung bình từ: 670-760 kg/m3.
- Ván MDF chống ẩm:
Cũng như MDF thường nhưng có thêm phụ gia chống ẩm giống như ván MCF.
Có màu xanh để phân biệt bằng mắt thường.
Có tỷ trọng cao hơn MDF thường là từ: 680 – 780 kg/m3.
Ván MDF chống ẩm dùng cho những khu vực cần độ chống ẩm cao như: Tủ bếp, Tủ vệ sinh hoặc khu vực có khí hậu ẩm ướt.
Đặc điểm gỗ công nghiệp MDF:
MDF có bề mặt phẳng mịn phù hợp với các sản phẩm có bề mặt bóng gương như acrylic hay phủ sơn
Loại gỗ này có thể soi chỉ các hệ cánh tủ bếp, tủ quần áo làm nội thất tân cổ điển. Nó sẽ giúp gia chủ tiết kiệm được rất nhiều chi phí thay vì sử dụng gỗ tự nhiên.
Hai loại gỗ công nghiệp MFC (ván dăm) và MDF về chất lương thì một 9 một 10.
Về khả năng chịu ẩm thì MDF nhỉnh hơn một chút xíu. Tuy nhiên về chịu lực thẳng đứng của tấm ván khi làm hệ tủ thì MFC lại hơn.
Trên thị trường 90% gỗ nội thất công nghiệp là sử dụng MDF và MFC sự kết hợp giữa 2 loại này là giải pháp hữu ích cho việc sản xuất tủ gỗ công nghiệp.
Gỗ công nghiệp HDF (High Density Fiberboard).
Về công nghệ sản xuất tương tự như MDF tuy nhiên HDF được ép với lực nén cao hơn. Thành phần phụ gia cũng khác hơn so với MDF.
Có tỷ trọng trung bình 800 – 950 kg/m3
Nhìn mắt thường thì lõi gỗ công nghiệp HDF khá giống với MDF. Tuy nhiên khi tiếp xúc bạn sẽ thấy gỗ HDF rắn chắc hơn, mịn hơn với MDF nhiều.
Về chất lượng thì lõi gỗ HDF tốt hơn MDF và MFC (Ván dăm): chống chịu nước tốt hơn, chịu lực tốt hơn… Gỗ HDF còn tốt hơn một số loại gỗ tự nhiên.
Do ván có tỷ trọng cao nên không khí sàn sẽ chậm tấn công vào hơn là MDF. Nên chống ẩm tốt hơn MDF.
Tuy nhiên HDF có trọng lượng khá nặng đôi khi không phù hợp với sản phẩm nội thất mà chỉ phù hợp cho sàn gỗ, ốp vách, ốp cầu thang, bậc tam cấp, tủ bếp.
Thực tế lõi gỗ HDF được sử dụng nhiều nhất trong sản xuất ván sàn. Vì ván sàn lát dưới nền nhà nên cần sự chịu lực cao và chống ẩm tốt.
Gỗ công nghiệp Plywood (Ván ép)
Gỗ Plywood được tạo nên từ việc ghép nhiều lớp gỗ mỏng có độ dày khoảng ~1mm và có kích thước bằng nhau. Các lớp gỗ này được ép chồng vuông góc với nhau bằng loại keo chuyên dụng và được ép nhiệt nhiệt độ cao để đạt được đồ bền như mong muốn.
Gỗ công nghiệp Plywood có đặc điểm: chịu nước, chống ẩm, chịu lực tốt hơn MFC và MDF.
Trước đây thường được sử dụng làm bao bì, tấm lót, khung, làm cốt pha khi xây nhà …
Thời gian gần đây với công nghệ vật liệu tại Việt Nam phát triển hơn trước. Gỗ Plywood được phủ venner, laminate với đặc điểm cứng và bền cộng thêm bề măt đẹp thì Plywood đang được sử dụng nhiều hơn trong nội thất từ: Mặt bàn, tủ kệ, giường ngủ, ván sàn…
Tuy nhiên Plywood có nhược điểm đó chính là nếu không được xử lý tẩm sấy đạt tiêu chuẩn thường rất dễ bị cong vênh, bề mặt gồ ghề, không được bằng phẳng dẫn đến không đẹp mắt và thường bị tách lớp khi ở môi trường có độ ẩm cao. Khả năng kháng mối mọt thấp khi xử lý không tốt trước khi ép ván.
Gỗ công nghiệp CDF (Compact Density Fiberboard)
Được làm bằng sợi nhỏ gọn, có tông màu đen với mật độ trên 1000 kg/m3. Mật độ cao hơn nhiều so với dòng HDF thông thường.
Với cấu tạo bởi:
- Sợi gỗ tự nhiên được nghiền nhỏ. (các loại gỗ rừng trồng)
- Keo chịu nước (MUF)
- Một số phụ gia khác như: Bột đá, sáp… (để tăng sự liên kết, khả năng chịu nước, chống ẩm)
Được ép thành tấm dưới nhiệt độ và áp xuất cao. Cấu tạo bởi những vật liệu sạch nên an toàn với người sử dụng. Vẫn giữ được các đặc tính thân thiện của gỗ tự nhiên.
CDF thuộc loại gỗ công nghiệp có chất lượng vượt trội về: tính năng chống ẩm, chịu lực tốt nhờ cốt gỗ cứng chắc.
Gỗ công nghiệp CDF sẽ tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, khả năng chống ẩm cao vì vậy nó được xếp vào dòng gỗ công nghiệp cao cấp.
Gỗ CDF thông thường sẽ đạt các tiêu chuẩn về cốt gỗ như: Tiêu chuẩn khí phát thải E1. Tỷ trọng 1000 kg/m3 so với MDF là 750kg/m3. Độ trương nở < 5% đối với ván 12mm… Mời các bạn tham khảo:
Bảng so sánh CDF và MDF 12mm
Tại Việt Nam gỗ CDF sử dụng làm đồ nội thất chưa nhiều chủ yếu làm vách ngăn, ván sàn… Một phần nguyên nhân là do cốt gỗ CDF rất cứng nên việc gia công thành phẩm đòi hỏi phải có máy móc hiện đại nên giá thành sẽ rất cao.
Lưu ý: Cốt gỗ CDF rất dễ nhầm lẫn với loại HDF được nhuộm đen trên thị trường nếu quan sát bằng mắt thường thì rất khó để phân biệt.
Gỗ công nghiệp Gỗ – Nhựa (WPC – Wood Plastic Composite).
Cấu tạo gỗ nhựa:
- Bột gỗ chiếm 50%
- Hạt nhựa 38% (PE-PVC)
- Chất tạo màu 5%
- Hợp chất kết dính 7%.
Nén thành dạng viên WPC. Từ dạng viên cho vào khuôn có thể gia công thành nhiều hình khối khác nhau.
Một lợi thế lớn của Gỗ nhựa so với gỗ là khả năng nguyên liệu có thể tạo hình thành hầu như bất kỳ hình dạng không gian nào theo yêu cầu.
Nó dễ dàng uốn, và cố định để tạo thành các đường cong lớn. Do sự kết hợp trong quá trình sản xuất.
- Gỗ nhựa vừa có tính chất như gỗ: có thể gia công bằng các công cụ mộc truyền thống.
- Gỗ nhựa vừa có tính chất như nhựa: khả năng chống ẩm. Chống mục nát, mối mọt. Thay thế gỗ tự nhiên dùng ngoài trời.
- Một ưu điểm nữa là thân thiện với môi trường. Tận dụng được nguồn gỗ không thể sử dụng lại trong quá trình sản xuất các sản phẩm đồ gỗ, khi nguồn gỗ tự nhiên ngày càng khan hiếm.
Gỗ nhựa hiện nay được sử dụng cả ở trong nội thất và ngoại thất: từ bể bơi, giàn hoa, ban công, ốp trần, tường, vệ sinh, phòng xông hơi…
Lưu ý: Một số bạn thường hay nhầm gỗ nhựa WPC với WPB. WPC có thành phần là gỗ còn WPB thì không có gỗ mà chỉ có nhựa và chất phụ gia là bột đá.
Gỗ Ghép công nghiệp.
Gỗ ghép với nguyên liệu là các thanh gỗ tự nhiên nhỏ được ghép lại với nhau thành tấm lớn. Nhờ keo chuyên dụng như: Urea Formaldehyde (UF), Phenol Formaldehyde (PF) hay Polyvinyl Acetate (PVAc).
Các thanh gỗ để sản xuất gỗ ghép đều được đi qua quá trình xử lý, hấp sấy, tẩm (chất chống ẩm, mối mọt) sấy trên dây truyền công nghiệp.
Hiện nay trên thị trường có một số loại gỗ ghép phổ biến như gỗ ghép cao su, gỗ ghép thông, gỗ ghép tràm. Hoặc một số loại gỗ ghép cao cấp như: Hương, Gõ, Lim, Gụ…
Ưu điểm của gỗ ghép:
- Sản phẩm giảm khả năng bị mối mọt, cong vênh vì được xử lý rất kĩ trong quá trình sản xuất. Đây là đặc tính vượt trội của gỗ ghép so với gỗ tự nhiên.
- Mẫu mã của các loại gỗ ghép rất đa dạng và phong phú.
- Vì gỗ ghép thanh được tạo ra để tận dụng những thanh gỗ vụn vì thế đây là sản phẩm rất thân thiện với môi trường. Giảm tải nhu cầu của người dùng lên các sản phẩm bằng gỗ tư nhiên.
- Gỗ ghép được xử lý cẩn thận, tỉ mỉ vì thế độ bền của các sản phẩm này rất cao, không kém gì các loại gỗ tự nhiên.
- Giá thành của các loại gỗ ghép sẽ rẻ hơn gỗ tự nhiên nguyên khối trên thị trường, vì thế người dùng sẽ dễ dàng mua và sử dụng.
Nhược điểm của gỗ ghép:
- Gỗ ghép thường có màu sắc không đều do được ghép từ nhiều thanh gỗ lại với nhau. Vì vậy sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ của sản phẩm.
Qua phần chia sẻ của chúng tôi về các loại gỗ công nghiệp được sử dụng nhiều hiện nay, chắc hẳn bạn đã nắm rõ hơn về cấu tạo cũng như công năng sử dụng của từng loại.
Hy vọng với những kiến thức này các bạn sẽ dễ dàng hơn cho việc lựa chọn loại gỗ công nghiệp phù hợp với mục đích sử dụng của mình.
Về Phần II: Các loại bề mặt gỗ công nghiệp chúng tôi xin hẹn các bạn vào bài viết kỳ sau. Xin chân thành cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi!
Các bài viết liên quan: